Tại xứ sở mặt trời mọc, khi một người đột ngột biến mất để bỏ lại mọi thứ và bắt đầu với cuộc sống hoàn toàn mới, họ được gọi là "johatsu", Theo Oddity Central.
Lý do biến mất có thể rất đa dạng: nợ nần không thể trả, đổ vỡ tình yêu hôn nhân, văn hóa làm việc khắc nghiệt, chán nản với cuộc sống. Tuy nhiên, có những yếu tố văn hóa, xã hội được xem là nguyên nhân chính khiến hiện tượng này phổ biến hơn cả ở Nhật Bản.
Nhiều người Nhật chọn cách biến mất vì áp lực công việc, cuộc sống.
Không ai tìm kiếm
Nhà xã hội học Nhật Bản Hiroki Nakamori, người đã nghiên cứu hiện tượng johatsu trong nhiều năm, nói với BBC rằng thuật ngữ này bắt đầu được sử dụng ở quốc gia châu Á trong những năm 1960.
"Khi đó một số người cho rằng sự biến mất của họ là điều có lợi cho cả hai bên: gia đình, người thân và cả họ. Ở Nhật Bản, việc biến mất trở nên dễ dàng hơn vì cảnh sát hiếm khi can thiệp trừ khi có lý do khác như tội phạm hoặc tai nạn. Tất cả những gì gia đình có thể làm là thuê thám tử tư hoặc chờ đợi", Nakamori nói.
Quyền riêng tư là một vấn đề lớn ở Nhật Bản. Vì vậy những người quyết định trở thành johatsu hầu như có thể ẩn mình mà không lo bị phát hiện.
Khi lẩn trốn, họ cũng không cần bận tâm về việc bị phát hiện trên CCTV hoặc sử dụng thẻ tín dụng tại các máy ATM. Các thành viên trong gia đình không thể truy cập video bảo mật và giao dịch ATM cá nhân.
"Tôi hiểu có những kẻ đánh cắp thông tin để sử dụng sai mục đích. Đây có lẽ là một luật cần thiết. Nhưng ngoài những tên tội phạm, những kẻ rình rập thì các bậc cha mẹ cũng không thể tìm kiếm những đứa con của chính mình", mẹ của một johatsu 22 tuổi nói.
"Với luật hiện hành, không có tiền, tất cả những gì tôi có thể làm là kiểm tra xem những xác chết vô danh có phải là con trai tôi hay không".
Công ty "chuyển nhà"
Khi johatsu ngày một phổ biến, các công ty, dịch vụ chuyên giúp đỡ người biến mất bắt đầu xuất hiện. Những nơi này được gọi là "công ty chuyển nhà ban đêm", "dịch vụ di chuyển ban đêm". Họ giúp johatsu lên kế hoạch biến mất cũng như tìm nơi ở mới để tránh bị phát hiện.
Chủ một dịch vụ "chuyển nhà vào ban đêm" nói với TIME rằng tùy thuộc vào số lượng tài sản, khoảng cách di chuyển và thời điểm "bốc hơi", giá của hoạt động này dao động trong khoảng 50.000-300.000 yen.
Việc dẫn theo trẻ em hoặc trốn tránh những người đòi nợ có thể đẩy mức giá lên cao hơn nữa. Một chủ công ty "chuyển nhà" tuyên bố đã giúp 100-150 người trở thành johatsu mỗi năm.
Sho Hatori, người thành lập công ty "chuyển nhà trong đêm" vào những năm 1990, cho biết: "Nhìn chung, lý do đằng sau sự biến mất là tích cực, chẳng hạn như đăng ký vào một trường đại học, tìm việc làm mới hoặc kết hôn. Nhưng cũng có những lý do đáng buồn chẳng hạn như bị đuổi khỏi trường đại học, mất việc làm hoặc bị những kẻ xấu rình rập".
Ban đầu Hatori tin rằng mọi người biến mất đều vì vấn đề tài chính, nhưng bây giờ ông biết rằng lý do phần lớn là yếu tố xã hội. "Những gì chúng tôi làm chỉ là giúp mọi người bắt đầu một cuộc sống khác".
Một người phụ nữ đang điều hành một công ty "chuyển nhà" cũng từng biến mất 17 năm. Cô nói rằng mình bị bạo hành sau khi kết hôn. Bây giờ khi giúp mọi người thoát khỏi cuộc sống cũ, cô không bao giờ hỏi lý do. "Chắc chắn phải khó khăn lắm họ mới quyết định bỏ lại tất cả để bước tiếp".
Đối với những người không có tiền để thuê dịch vụ "chuyển nhà ban đêm" hay không đủ khả năng để làm mọi việc một mình, có các hướng dẫn johatsu công khai, dễ dàng truy cập trên mạng xã hội.
20/04/2023 | 1400 | Otsukaresama: Hơn cả một câu chào trong tiếng Nhật |
03/04/2023 | 395 | Nhật Bản lập cơ quan giải quyết các vấn đề trẻ em |
22/12/2021 | 891 | Hiện tượng johatsu, những người Nhật đột ngột biến mất |
08/12/2021 | 729 | Kỳ tích Nhật Bản: Là quốc gia già nhất nhưng có chưa đến 1 người tử vong vì Covid-19/ngày |