Sáng nay - 7/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) đã đồng tổ chức Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khởi đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản và 20 năm triển khai thực hiện Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại kế thừa và phát huy các quan hệ lâu đời trước đây, cách đây 50 năm, ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua nhiều thăng trầm, thay đổi của tình hình thế giới, khu vực và của mỗi nước, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện. Hai bên đã xây dựng nhiều khuôn khổ pháp lý quan trọng cho quan hệ song phương; đồng thời cùng là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
“Đây chính là những hành lang quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại đầu tư giữa hai nước trên tinh thần hai bên cùng có lợi, bổ trợ lẫn nhau…”- Thủ tướng khẳng định và chia sẻ thêm, Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực với quyết tâm cao, kiên trì để có được CPTPP và đến nay thực tế đã chứng minh điều này là đúng, phù hợp với lợi ích của hai nước, cộng đồng doanh nghiệp hai nước và phù hợp với mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới, nhiều nước, kể cả các nước lớn, muốn tham gia hiệp định này.
Bên cạnh sự tham dự trực tiếp của gần 300 đại biểu, còn có gần 1.000 tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản theo dõi trực tuyến.
Bên cạnh đó, Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, cơ chế hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ, qua 20 năm thực hiện với 8 giai đoạn, đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.
"Chúng tôi đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc, hiệu quả của các nhà đầu tư Nhật Bản khi hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Đồng thời, tôi cảm nhận được sự chia sẻ, tin tưởng và cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Chúng ta đến với nhau và cảm nhận được sự tin cậy, chân thành, đây là điều có ý nghĩa rất quyết định để hợp tác thành công; khi chúng ta chân thành và tin cậy lẫn nhau thì các khó khăn giải quyết dễ dàng hơn và hiệu quả cao hơn”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng đã cảm ơn Chính phủ Nhật Bản và toàn thể các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư Nhật Bản vì những đóng góp to lớn, có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong nhiều năm. Đồng thời đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) và Ủy ban kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tại Việt Nam trong việc thực hiện sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản 8 giai đoạn trong 20 năm qua, đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ tin tưởng rằng quan hệ hai nước còn nhiều dư địa để tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, xứng tầm quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện, tin cậy vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á”.
Nhân dịp này, 3 đồng chủ tịch: Sáng kiến chung Việt Nhật, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký Biên bản về Báo cáo đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn 8 để đánh dấu 20 năm triển khai cũng như các định hướng triển khai thời gian tới.